Các loại bệnh ung thư phổ biến

Ung thư phổi

Ung thư phổi là sự phát triển mất kiểm soát của các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai lá phổi. Khi phát triển, các tế bào bất thường này hình thành một khối u có thể cản trở hoạt động của phổi. Quá trình oxy hóa máu diễn ra trong phổi có thể bị suy giảm và dẫn đến khó thở. Sự oxy hóa kém trong máu do nguyên nhân trên có thể tác động đến tất cả các cơ quan khác. Điều quan trọng là nếu không điều trị, tế bào ung thư phổi thường di căn đến các cơ quan sau: hạch bạch huyết, xương, gan, não và tuyến thượng thận. Ung thư phổi ở dạng di căn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư phổi là hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với bức xạ, amiăng và khí rađon. Theo nghiên cứu, những người bị viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. 

Triệu chứng

Các triệu chứng ung thư phổi bao gồm: mệt mỏi bất thường, kém ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân, ho dai dẳng và sau đó là khó thở, đau ngực và ho ra máu.

ung-thu-phoi

Chẩn đoán

Các bác sĩ có thể đề xuất chụp CT, MRI hoặc PET, nội soi phế quản kết hợp với sinh thiết khối u để phân tích bệnh lý

Điều trị

Đối với người bị ung thư phổi tế bào không nhỏ, phương pháp điều trị có thể là phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, hóa trị hoặc kết hợp những phương pháp này. Đối với người bị ung thư tế bào nhỏ, phương pháp điều trị thường là xạ trị và hóa trị.

Tầm soát

Hiện nay, việc tầm soát ung thư phổi tập trung vào những người có nguy cơ cao, cụ thể là những người hút thuốc lá lâu năm (kể cả khi họ đã bỏ thuốc). Đối với người trên 55 tuổi, phương pháp xét nghiệm sàng lọc được khuyến nghị là chụp cắt lớp vi tính liều thấp, còn được gọi là chụp CT liều thấp. Theo nghiên cứu, tầm soát bằng phương pháp chụp CT liều thấp có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi. Đối với người có tiền sử hút thuốc điển hình, cần thảo luận về phương án xét nghiệm hình ảnh này với bác sĩ mỗi khi khám sức khỏe hằng năm.

 

Ung thư vú

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới. Phụ nữ mang một số loại đột biến gen nhất định sẽ có nhiều nguy cơ mắc ung thư vú hơn.

Nguyên nhân

Ung thư vú thường bắt nguồn từ các tế bào trong ống dẫn sản xuất sữa và có thể di căn ở các bộ phận khác nhau của vú và có thể sau đó là đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú không hoàn toàn rõ ràng, nhưng theo nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng lên từ độ tuổi 30 trở đi. Bệnh ung thư vú cũng có thể xảy ra ở nam giới mặc dù khá hiếm gặp.

Triệu chứng

Các triệu chứng của ung thư vú bao gồm: u hoặc khối cộm ở vú, sưng toàn bộ hoặc một phần vú, thay đổi ngoài da và cảm giác khó chịu hoặc đau ở một bên vú hay ở núm vú, có thể kèm theo dịch không màu hoặc chảy máu. 

ung-thu-vu

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tế bào ung thư vú, chụp X quang vú kết hợp với siêu âm vú là những phương pháp xét nghiệm hình ảnh được ưu tiên khi yêu cầu. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sẽ dựa trên báo cáo bệnh lý của khối bị cắt hoặc thông qua sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn.  

Điều trị

Các phương pháp điều trị ung thư vú bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú hoặc chỉ cắt bỏ khối u và các mô xung quanh, xạ trị, liệu pháp hormon, liệu pháp nhắm mục tiêu và hóa trị. Ngay cả khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đúng cách, vẫn có thể xảy ra các biến chứng như sưng vú tạm thời, căng và cứng vú do mô sẹo có thể hình thành tại vị trí vết mổ.

Tầm soát

Mọi phụ nữ đều nên tiến hành tự kiểm tra vú định kỳ. Ngoài ra, đối với người từ 40 tuổi trở lên, nên tầm soát ung thư vú – bao gồm việc chụp X quang vú và siêu âm vú – định kỳ hằng năm. Khi có khối cộm đáng ngờ, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm CA 15-3 hoặc xét nghiệm CA 27.29, là các phép chỉ điểm khối u liên quan đến ung thư vú, cũng như sinh thiết quá trình phát triển.

 

Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng, còn gọi là ung thư ruột kết, bắt nguồn từ ruột già (ruột kết) hoặc khúc cuối gọi là trực tràng. Loại ung thư này thường hình thành từ dạng bướu nhỏ (khối nhỏ hoặc phát triển từ vài mm đến vài cm) trên màng lót bên trong ruột kết hoặc trực tràng. Ở nhiều nước, ung thư đại tràng nằm trong số 3 bệnh ung thư phổ biến nhất mà cả nam và nữ đều mắc phải. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng nhưng có nhiều yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Những yếu tố này bao gồm: chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, bệnh béo phì, tiểu đường, việc lười vận động, hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia. Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hoặc các bệnh di truyền như polip cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Triệu chứng

Ban đầu, bệnh ung thư này có thể âm thầm và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong một thời gian. Các triệu chứng ban đầu thường gặp là việc đại tiện gặp những thay đổi như tiêu chảy và táo bón, đi ngoài ra máu trong phân, chướng bụng. Các triệu chứng khác bao gồm: mệt mỏi thấy rõ, chán ăn, mệt mỏi quá mức và sụt cân không rõ nguyên nhân.

ung thu dai trang

Chẩn đoán

Quy trình chẩn đoán tế bào ung thư đại tràng chủ yếu dựa vào phương pháp nội soi ruột kết và sinh thiết khối tìm thấy trong ruột kết để phân tích bệnh lý. Một số bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm máu, gọi là xét nghiệm CEA (kháng nguyên ung thư phôi). Đây là phép chỉ điểm khối u đối với ung thư ruột kết (và các bệnh ung thư khác) khi nghi ngờ ung thư ruột kết nhưng vẫn chưa tiến hành chẩn đoán. Bạn cũng có thể yêu cầu các phương pháp xét nghiệm khác như chụp CT ổ bụng, xét nghiệm ADN trong phân, nhưng phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là nội soi ruột kết. Nội soi ruột kết là phương pháp khám nội soi ruột bằng cách sử dụng camera sợi quang uốn dẻo được đưa vào từ hậu môn.

Điều trị

Bạn có thể điều trị ung thư đại tràng theo nhiều cách. Các phương án điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp nhắm mục tiêu.

Tầm soát

Phương pháp tầm soát hiệu quả nhất là nội soi ruột kết, thường được khuyến nghị tiến hành 5 năm một lần, đối với người từ 50 tuổi trở lên. Người có tiền sử gia đình bị ung thư ruột kết có thể tiến hành nội soi ruột kết thường xuyên hơn. Nếu xét nghiệm ra tình trạng đa polip và/hoặc polip lớn, tần suất kiểm tra có thể tăng lên thành định kỳ 2 – 3 năm.    

 

Ung thư dạ dày 

Ung thư dạ dày cũng xuất hiện khá nhiều và nằm trong 10 bệnh phổ biến nhất ở hầu hết các quốc gia. Đáng chú ý là các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản và Trung Quốc có số ca bệnh ung thư dạ dày tương quan với dân số cao nhất. 

Nguyên nhân

Ung thư dạ dày bắt nguồn từ màng lót bên trong dạ dày, tại đó các tế bào ung thư bất thường bắt đầu phát triển thành một khối u. Người ta đã xác định được một số yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống cụ thể (thực phẩm nhiều muối và hun khói), hàm lượng rau quả thấp. Cơ địa nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori lâu năm, một loại vi khuẩn có trong dạ dày, cũng như tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày cũng là những yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng

Các triệu chứng bao gồm: đau dạ dày hoặc khó chịu, buồn nôn, nôn mửa, khó nuốt hoặc khó tiêu hóa, ợ nóng, cảm giác có khối u ở bụng trên và sụt cân không rõ nguyên nhân.

ung thu da day

Chẩn đoán

Quy trình chẩn đoán chủ yếu được tiến hành thông qua nội soi dạ dày cùng với sinh thiết và kiểm tra bệnh lý của khối phát hiện được trong quá trình nội soi. Bạn cũng có thể yêu cầu các phương pháp xét nghiệm khác như xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh (chụp CT ổ bụng).

Điều trị

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu và hóa trị.

Tầm soát

Hiện nay, để phát hiện sớm ung thư dạ dày, bạn nên làm xét nghiệm tầm soát cụ thể. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư này thường được khuyến nghị nội soi dạ dày 4 – 5 năm một lần. 

 

Ung thư gan

Ung thư gan, còn gọi là ung thư nguyên phát tại gan, có thể bắt nguồn từ các tế bào có trong gan (trong trường hợp này, bệnh được gọi là ung thư biểu mô tế bào gan và chiếm hơn 90% số ca bệnh ung thư gan nguyên phát) hoặc từ các tế bào màng lót ống mật (trong trường hợp như vậy, bệnh được gọi là ung thư biểu mô đường mật). 

Nguyên nhân

Ung thư tế bào gan có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có: nhiễm virút viêm gan B/C mạn tính, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một số bệnh gan di truyền, cũng như lạm dụng rượu bia và thuốc lá.

Loại thứ hai (ung thư đường mật) đặc biệt xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á. Bệnh này đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Bắc Thái Lan. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh ung thư đường mật cao đến mức khá đặc thù tại đây là nhiễm sán lá gan (một loại giun ký sinh được có thể có trong túi mật). 

ung thu gan

Triệu chứng

Ung thư gan có thể không phát ra triệu chứng ngay từ đầu. Các triệu chứng thường gặp và không cụ thể là mệt mỏi bất thường, sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn và thiếu năng lượng. Sau một thời gian, bệnh sẽ có các triệu chứng và dấu hiệu như: khó chịu, đau hoặc cảm giác có khối u ở phía trên bên phải ổ bụng, khó tiêu, rồi ở giai đoạn sau là vàng da với biểu hiện là da hoặc lòng trắng của mắt bị nhuốm màu vàng. 

Chẩn đoán

Có thể chẩn đoán ung thư gan thông qua chụp CT hoặc MRI ổ bụng trên, sinh thiết khối u gan và nhiều phép xét nghiệm máu. 

Điều trị

Giống như các khối u đường tiêu hóa, ung thư gan có thể khó chẩn đoán sớm và do đó, khó chữa hơn. Các phương án điều trị là phẫu thuật cắt bỏ khối u, phẫu thuật ghép gan, điều trị tại chỗ như làm nóng hoặc đông lạnh tế bào ung thư, xạ trị, dược trị liệu nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch và hóa trị. 

Tầm soát

Quy trình tầm soát ung thư gan bao gồm: xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP) trong máu, đây là chất mà nồng độ sẽ cao lên khi bị các tế bào ung thư gan tác động. Bạn cũng có thể yêu cầu các phương pháp xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp CT hoặc MRI ổ bụng. 

 

Ung thư cổ tử cung 

Đối tượng chủ yếu mắc phải ung thư cổ tử cung là phụ nữ 30 – 45 tuổi. Đây cũng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất với phụ nữ ở độ tuổi trẻ hơn. Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng ở những giai đoạn đầu.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ bao gồm: nhiễm virút gây u nhú ở người (HPV), hút thuốc, sử dụng thuốc tránh thai dài ngày và quan hệ tình dục với nhiều người.

ung thu co tu cung

Triệu chứng

Ở giai đoạn đầu, loại bệnh ung thư này không phát ra bất kỳ triệu chứng nào. Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng bao gồm: đau vùng chậu, tiết dịch âm đạo nhiều và bất thường, chảy máu âm đạo và đau khi quan hệ tình dục.

Chẩn đoán

Có thể chẩn đoán tế bào ung thư cổ tử cung bằng cách vận dụng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung kết hợp với phân tích các tế bào cổ tử cung. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trong tế bào, bác sĩ phụ khoa sẽ tiến hành thăm dò thêm, gọi là soi âm đạo để phân tích sâu rộng hơn về tình trạng tổn thương cổ tử cung. Soi âm đạo là phương pháp đánh giá chẩn đoán toàn bộ cổ tử cung bằng cách quan sát mô khi được chiếu sáng, để có thể xác định và phân tích rõ vùng bất thường trên đó. 

Điều trị

Có nhiều phương án điều trị ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như: phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch và hóa trị.

Tầm soát

Phụ nữ 21 – 64 tuổi cần tầm soát cổ tử cung định kỳ, thường là 3 năm một lần. Trong một số trường hợp, có thể kết hợp tầm soát cổ tử cung và đánh giá tình trạng nhiễm HPV.

 

You May Also Like

phương án xử lý ngộ độc thực phẩm
Uncategorized

Phương án xử lý ngộ độc thực phẩm: Dấu hiệu và Lời khuyên

Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục mầm …

Bảo vệ sức khỏe trước tác động của khói bụi từ các nhà máy
Uncategorized

Bảo vệ sức khỏe trước tác động của khói bụi từ các nhà máy

Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí và nồng độ bụi siêu mịn PM2,5 ở nước ta ngày …

Quyền lợi bảo hiểm sức khỏe khi nhiễm độc hóa chất trong sản xuất
Uncategorized

Nhiễm độc hóa chất trong sản xuất: Phòng chống rủi ro ra sao?

Nhiễm độc hóa chất trong sản xuất gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. …